Highlights
- Facebook cũng tham gia vào quá trình kiểm duyệt nội dung trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
- Việt Nam đã bỏ tù số lượng lớn chưa từng thấy những tù nhân lương tâm – 40% trong số họ ngồi tù vì những gì đã viết trên mạng xã hội.
- Những kẻ quấy rối do nhà nước bảo trợ, dưới tên Dư Luận Viên, được tự do hoạt động tràn lan trên Facebook và YouTube.
Amnesty cảnh báo “mặc dù các mạng xã hội từng là một niềm hy vọng lớn lao cho người Việt Nam được tự do thể hiện quan điểm, nhưng chúng đã nhanh chóng trở thành những khu vực vắng bóng nhân quyền”.
Bài báo do Amnesty tung ra hôm 1/12, nêu lên kết quả của phúc trình dài 78 trang, có tên gọi ‘Hãy cho chúng tôi được Thở! Sự kiểm duyệt và tội phạm hoá những quan điểm thể hiện trên mạng ở Việt Nam’.
Phúc trình chỉ trích những gã khổng lồ về mạng xã hội như Facebook và YouTube đã tự biến họ thành những công cụ của chính quyền Việt Nam, nhằm giúp chính quyền kiểm soát và quấy nhiễu quan điểm của người dân.
Amnesty cho rằng ‘Đó là dấu hiệu đáng báo động về cách mà những công ty này tiếp tục hoạt động tại những quốc gia chuyên đàn áp.’
Phúc trình được viết dựa trên các phỏng vấn thực hiện với những nhà bảo vệ nhân quyền, bao gồm các cựu tù nhân lương tâm, luật sư, nhà báo và nhà văn, và những thông tin thu thập từ Facebook và Google.
Phúc trình tiết lộ Việt Nam hiện nay đang giam giữ 170 tù nhân lương tâm, 69 người trong số này ngồi tù chủ yếu vì những gì họ viết trên mạng xã hội.
Con số này tăng đáng kể so với số tù nhân lương tâm mà tổ chức Amnesty từng ước đoán vào năm 2018.
Bà Ming Yu Hah là Phó Giám đốc về các Chiến dịch quảng bá của Amnesty tại Khu vực.
‘Ngày nay những mạng xã hội này trở thành nơi săn lùng để kiểm duyệt, quân sự hoá không gian mạng và là nơi hoạt động của những kẻ quấy rối do nhà nước bảo trợ.’
Mới tháng trước, trong Báo cáo Minh bạch mới nhất của Facebook, công ty này tiết lộ đã tăng tới 983% sự hạn chế nội dung viết trên Facebook, dựa trên luật pháp tại đất nước địa phương.
Amnesty cũng trích báo chí Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng Thông tin Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng trong tháng Mười, việc tuân thủ gỡ bỏ “thông tin xấu, tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước” cao hơn bao giờ hết, với Facebook và Google tuân thủ lần lượt 95% và 90% các yêu cầu kiểm duyệt của nhà nước.
Cuối cùng trong phúc trình, Tổ chức Amnesty tuyên bố các tập đoàn công nghệ lớn cần chấm dứt sự đồng loã.
Các nhà chức trách Việt Nam phải ngừng bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận trên mạng.
Tổ chức này cũng kêu gọi tất cả các tù nhân lương tâm ở Việt Nam được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện, cũng như cần tu chính các luật đàn áp ngăn cản quyền tự do ngôn luận.