Highlights
- Sáu trường đại học của Úc nằm trong top 100 các trường đại học hàng đầu thế giới
- Ngành giáo dục Úc bị ảnh hưởng nặng nề do đóng cửa biên giới và mất đi nguồn thu nhập từ sinh viên quốc tế
- Các trường đại học Trung Quốc tiếp tục thăng hạng trong bảng xếp hạng năm nay
Hơn một phần ba trong số 37 trường đại học của Úc đã cải thiện vị trí so với năm ngoái, trong khi chỉ có bảy trường bị mất điểm.
Ông Phil Baty đến từ tổ chức Times Higher Education cho biết Úc dường như bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 hơn hầu hết các quốc gia khác, do tác động của việc đóng cửa biên giới và mất đi nguồn thu nhập từ sinh viên quốc tế.
“Những tác động gián tiếp của việc sụt giảm doanh thu có thể diễn ra trong nhiều năm,” ông nói.
Tuy nhiên, ông Duncan Maskell, hiệu trưởng Đại học Melbourne, nói rằng ông hài lòng với thành tích của nhà trường trong bảng xếp hạng năm nay.
“Tôi tự hào hơn về thực tế rằng, bất chấp những thách thức rất nghiêm trọng trong 12 tháng qua, nhà trường đã tiếp tục hoạt động ở mức độ cao đáng kinh ngạc trong những lĩnh vực thực sự quan trọng: giáo dục sinh viên của chúng tôi và thực hiện những nghiên cứu xuất sắc tạo ra sự khác biệt trên thế giới,” Giáo sư Maskell nói.
Ông Brian Schmidt, hiệu trưởng trường Đại học Quốc gia Úc, lưu ý rằng thứ hạng không phải là “điều thúc đẩy sứ mệnh của chúng tôi trên cương vị là một trường đại học”.
“Chúng tôi tồn tại để phục vụ quốc gia và tất cả người dân Úc, cũng như khu vực của chúng tôi và thế giới rộng lớn hơn, thông qua công tác nghiên cứu và giảng dạy mang tính thay đổi.”
Năm trường đại học hàng đầu thế giới năm nay là Oxford, Stanford, Harvard, California Institute of Technology và Massachussetts Institute of Technology.
Trong khi đó, các trường đại học Trung Quốc tiếp tục thăng hạng trong bảng xếp hạng của Times Higher Education.
Đại học Bắc Kinh lần đầu tiên lọt vào top 20, đồng hạng 16 với Đại học Thanh Hoa. Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân một phần là do những công trình nghiên cứu của họ về coronavirus.
Chính phủ Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều vào các trường đại học, và khi lĩnh vực giáo dục đại học phát triển, nhiều sinh viên Trung Quốc sẽ coi việc học trong nước như một lựa chọn thay thế cho việc đi du học.
“Chúng tôi đã nhận thấy sự thay đổi rõ nét đối với các tiêu chuẩn được thiết lập từ Trung Quốc đại lục, và mức cao kỷ lục đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông cho thấy Châu Á đang tiếp tục được hưởng lợi từ việc tập trung và đầu tư vào giáo dục đại học trên khắp lục địa,” ông Baty nói.
“Trong những năm tới, sẽ rất thú vị để xem liệu Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và các hệ thống giáo dục đại học hàng đầu thế giới khác có thể ứng phó với những thách thức của COVID-19, bao gồm việc thu hút tài năng học thuật và sinh viên quốc tế, và tác động nghiêm trọng đến nguồn tài trợ, để giữ vững vị trí của họ ở đầu bảng.”
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại