Du học ở Úc (230): Gói bảo hiểm OSHC Extra cho du học sinh

Student OSHC

Source: Element envato

Khi bạn sang Úc , các dịch vụ khám chữa bệnh liên quan đến da liễu, thính lực hay nhãn khoa thường không được bao gồm trong OSHC dành cho du học sinh và chi phí khá đắt đỏ. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp bắt buộc phải sử dụng dịch vụ này tại Úc, bạn phải làm sao để được bảo hiểm chi trả những khoản phí này?


‘Ốm đau là bệnh của trời’. Không ai trong chúng ta có thể chắc chắn mình luôn mạnh khỏe, nhất là khi xa nhà, lúc  trái gió trở trời.

Theo quy định của Bộ di trú Úc, tất cả các sinh viên du học ở Úc đều  bắt buộc phải mua gói bảo hiểm đi kèm. Điều này nhằm bảo đảm sức khỏe của bạn được công ty bảo hiểm cover trong trường hợp bạn bị đau ốm hoặc tai nạn suốt thời gian học tập và cư ngụ tại Úc .

Bên cạnh đó, dịch vụ y tế ở Úc rất đắt đỏ. Nếu không có OSHC, bạn phải trả hết chi phí điều trị tại bệnh viện, với mức phí có thể lên đến hàng ngàn đô la. Điều này sẽ tăng thêm gánh nặng về tài chính cho bạn và gia đình. Chỉ khi có sức khỏe, bạn mới có thể bảo đảm được việc học, đặc biệt tại một đất nước có khí hậu khác

Khác với Việt Nam, ở Úc, một số dịch vụ như khám chữa mắt, răng và da được xem là dịch vụ thẩm mỹ nên chi phí sẽ rất đắt. Do đó, tùy gói bảo hiểm của mỗi công ty, bạn sẽ được chi trả các phí như khám chữa bệnh, cấp thuốc, tiến hành xét nghiệm cho đến phẫu thuật, vv.

Theo tổ chức Study Melbourne, Bảo Hiểm Y Tế dành cho Du Học Sinh chi trả :

  • Các cuộc hẹn khám với bác sĩ

  • Một số điều trị tại bệnh viện

  • Xe cứu thương và một số loại thuốc theo quy định.

Tuy vậy, đôi lúc học sinh chỉ có thể được hưởng một phần phí y tế từ bảo hiểm. Sự chênh lệch giữa phí y tế và số tiền nhận được từ bảo hiểm gọi là phí chênh lệch.

Ví dụ, học sinh chỉ có thể được chi trả 85 phần trăm mức phí từ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ y tế như bệnh lý và bức xạ. 15 phần trăm còn lại là chi phí mà người bệnh phải tự trả.

OSHC với OVHC là gì?

Khi sang Úc, các bạn sẽ thường nghe đến hai thuật ngữ quen thuộc về bảo hiểm sức khoẻ là OSHC và OVHC.

OSHC ( Overseas Student Health Cover) là loại bảo hiểm y tế dành chi du học sinhtại Úc. Gói OSHC có hiệu lực trong toàn bộ thời hạn visa. Điều này cũng có nghĩa là nếu du học sinh muốn gia hạn student visa, các bạn cũng cần phải gia hạn cả OSHC.

OVHC( Overseas Visitor Health Cover) : loại bảo hiểm y tế dành cho khách du lịch hoặc dân ngoại quốc đang sinh sống cư ngụ tại Úc. Một số chiếu khán Úc yêu cầu người giữ chiếu khán phải có OVHC như là bridging A,B,C, chiếu khán diện 600,  482, 485, 188, 489.

Nếu như bạn là du học sinh sang Úc diện độc thân, lựa chọn này sẽ không quá phức tạp. Tuy nhiên, với những bạn nộp hồ sơ xin visa sang Úc có người phụ thuộc sang sống cùng trong toàn bộ thời gian bạn học tập tại Úc, người phụ thuộc cũng bắt buộc phải mua kèm bảo hiểm với người giữ visa chính . Trong trường hợp cả gia đình bao gồm cả thành viên dưới 18 tuổi thì phải mua gói bảo hiểm Family.

Chi phí cho gói gia đình khá tốn kém, thông thường giá của gói này gấp nhiều lần cho gói single.
Với một số trường hợp du học sinh và gia đình muốn tiết kiệm chi phí, họ thường đi theo gói bảo hiểm rẻ. Điều này nghe có vẻ ‘vô hại’ nhưng thực ra lại thiệt hại rất nhiều cho du học sinh và gia đình trong trường hợp một thành viên trong gia đình ngã bệnh phải vào bệnh viện. Lúc này, nếu không chứng minh được mình giữ loại bảo hiểm phù hợp, người nhà của du học sinh sẽ không được phép claim viện phí và có thể phải chi trả toàn bộ.
Do đó, trước khi chọn mua gói bảo hiểm cho người phụ thuộc, hãy cân nhắc thật kỹ các yếu tố như tiền sử bệnh để chọn gói phù hợp nhất và phòng tránh những rủi ro về sau. Có thể tại thời điểm khỏe mạnh, bạn nghĩ mình tiết kiệm được một khoản lớn nhưng khi có chuyện không hay xảy ra, bạn sẽ hối tiếc vì mình đã không mua bảo hiểm. Chi phí bảo hiểm gói gia đình mặc dù sẽ cao hơn cá nhân. Đổi lại, người thân của bạn sẽ được cover chi phí trong trường hợp xấu xảy ra.

Những khoản phí OSHC bao gồm

  • Khám bác sĩ

  • Bệnh viện: bao gồm giường bệnh, phòng mổ, dịch vụ ban ngày, dịch vụ khẩn cấp và tai nạn, các dịch vụ y tế ngoại trú và sau phẫu thuật.

  • Dược phẩm bác sỹ kê đơn

  • Xét nghiệm và X-quang

  • Vận chuyển cấp cứu: chi trả 100% chi phí vận chuyển cấp cứu bằng xe cứu thương.

  • Bộ phận giả: thanh toán quyền lợi tối thiểu đối với bộ phận giả cấy ghép bằng phẫu thuật. Cấy ghép bộ phận giả có thể bao gồm như: đặt stent cho động mạch vành, hông/đầu gối nhân tạo, hoặc các tấm titan/ốc vít để tái tạo và nối liền xương bị gãy.

 Những khoản phí OSHC không bao gồm

  • Các điều trị bệnh nhân có trước khi đến Úc

  • Phương tiện di chuyển để chữa trị bệnh cho du học sinh hoặc người nhà đến/ ra khỏi Úc

  • Các khoản thiệt hại đã được công ty bảo hiểm bồi thường theo yêu cầu của tòa

  • Các điều trị đã được cover từ gói bảo hiểm trước đó

  • Chi phí dịch vụ chữa trị bệnh tư nhân ( vd: phẫu thuật hoặc dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện)

  • Nha sĩ và hầu hết dịch vụ răng hàm mặt

  • Khám mắt và hầu hết các dịch vụ nhãn khoa

  • Thính lực và các dịch vụ lắp đặt thính lực

  • Các phương pháp vật lý trị liệu, nắn khớp xương, phẫu thuật và dịch vụ tâm lý

  • Hầu hết  vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp, trị liệu ngôn ngữ, trị liệu mắt, dịch vụ nắn khớp xương, phẫu thuật cắt bỏ (chăm sóc chân) hoặc dịch vụ tâm lý

  • Châm cứu ( trừ khi có chỉ định bởi bác sĩ)

  • Dịch vụ y tá tại nhà

  • Dịch vụ săn sóc giám hộ lâu dài

  • Chi phí khám chữa bệnh khi ở nước ngoài

  • Dịch vụ thẩm mỹ và các chi phí dịch vụ không cần thiết

  • Khám sức khỏe theo yêu cầu của  bảo hiểm nhân thọ, hưu bổng, các chương trình thành viên hoặc  để xin việc

  • Chữa trị sinh sả

Muốn bao gồm những phí này trong bảo hiểm OSHC có được không?

Nếu bạn sang Úc học nhiều quá, mắt lên độ phải đổi sang một cặp kính mới hoặc bị những chiếc răng khôn hành hạ ngày này qua ngày khác phải nhổnó ngay lập tức, bạn phải làm sao để được bảo hiểm chi trả?

Bạn có thể mua thêm bảo hiểm phụ gọi là OSHC Extra thêm vào gói bảo hiểm hiện tại. Các công ty bảo hiểm ở Úc hầu hết đều cung cấp gói bổ sung này ( khoảng $300 trở lên) sẽ cover các chi phí khám chữa răng, mắt , trị liệu, vv.

Làm cách nào để đổi sang công ty OSHC khác khi đã lỡ mua OSHC rồi?

Theo Bộ Sức Khỏe của Úc, bạn có thể đổi sang gói bảo hiểm khác bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, việc làm này có thể phát sinh chi phí nếu bạn yêu cầu hoàn trả lại tiền bảo hiểm đã đóng. Điều này có nghĩa là ví dụ bạn mua gói bảo hiểm 2 năm, nhưng sau một năm muốn chuyển sang công ty bảo hiểm khác. Bạn sẽ phải thông báo cho công ty bảo hiểm hiện tại để họ hoàn lại chi phí nếu bạn đã thanh toán trước cho cả gói từ đầu.

Để được hoàn trả phí bảo hiểm, bạn phải đăng ký với công ty bảo hiểm mới trước, sau đó cung cấp chứng từ cho công ty bảo hiểm hiện tại để hủy. Ngoài ra bạn phải bảo đảm thời điểm của gói bảo hiểm mới phải tiếp nối với gói bảo hiểm cũ và không có khoảng trống về thời gian nào giữa việc chuyển tiếp hai gói bảo hiểm.

Ví dụ: thời điểm bạn bảo hiểm cũ 20/2/2019- 20/2/2021. Bạn kết thúc bảo hiểm vào tháng 19/1/2020 phải bảo đảm gói bảo hiểm mới sẽ bắt đầu vào ngày 20/1/2020- 20/2 /20.

Làm sao để đổi gói bảo hiểm khi hết hạn?

Trong trường hợp bạn hết hạn student visa và gia hạn thêm, bạn buộc phải liên hệ công ty bảo hiểm để mua gói mới. Lúc này, bạn cũng có thể đổi sang công ty bảo hiểm khác nhưng sẽ không yêu cầu hoàn tiền từ công ty bảo hiểm hiện tại nữa.

Nếu muốn đổi sang gói bảo hiểm mới, bạn nên đổi trước ngày hết hạn bảo hiểm. Nếu không, có khả năng bạn sẽ vi phạm luật . Quy định của visa du học sinh yêu cầu sinh viên LUÔN PHẢI có bảo hiểm trong toàn bộ thời gian học tập cư ngụ ở Úc.

 Là du học sinh, đôi khi các bạn sẽ thường vể thăm nhà trong những dịp lễ Tết như thế này.Vậy thì khoảng thời gian đó các bạn có thể tạm dừng tư cách thành viên của mình được không?

OSHC Worldcare đưa ra chính sách “Tạm Dừng Ngày Nghỉ” cho những người mua bảo hiểm rời khỏi Úc trong vòng trên 30 ngày trong quá trình mua bảo hiểm OSHC Worldcare của họ và để áp dụng Tạm Dừng Ngày Nghỉ bạn cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Bạn phải xuất trình hợp đồng bảo hiểm OSHC Worldcare có hiệu lực khi xin “Tạm Dừng Ngày Nghỉ”

– Nếu hợp đồng bảo hiểm OSHC Worldcare của bạn hết hạn trong khi bạn vắng mặt, bạn phải đóng mới bảo hiểm và có hiệu lực vào ngày hết hạn trước khi bạn có thể xin “Tạm Dừng Ngày Nghỉ”

– Bạn phải ra khỏi nước Úc trong thời gian 30 ngày hoặc nhiều hơn

– Bạn phải nộp đơn xin “Tạm Dừng Ngày Nghỉ” trong vòng 30 ngày sau khi bạn quay trở lại Úc

Lưu ý khi khám bệnh ở Úc

Ngoài ra, có 1 số lưu ý khi khám chữa bệnh tại Úc các bạn cần biết và chuẩn bị cho mình.

Nhiều bệnh sơ sài có thể chữa trị bằng thuốc mua ở nhà thuốc Tây. Tuy nhiên, nếu bạn bị ốm/bệnh, nơi đầu tiên bạn nên tới là bác sĩ gia đình (gọi là GP) – sau đó GP sẽ cho bạn biết phải làm gì tiếp theo.

Bạn hãy đi tới bác sĩ GP khi bị các vấn đề sức khỏe lặt vặt (chẳng hạn như đau bụng, hắt hơi, ho, sốt, nổi mẩn, tiêu chảy). Họ có thể cho bạn biết phải làm gì và kê toa thuốc trị bệnh cho bạn. Bác sĩ gia đình cũng có thể gởi bạn đi chụp x-quang hoặc thử máu hay gặp bác sĩ chuyên khoa nếu cần thiết.

Đối với các trường hợp cấp cứu hoặc tai nạn, hãy đi thẳng tới bệnh viện. Nếu bạn tới bệnh viện vì những dấu hiệu nhỏ nhặt như cảm sổ mũi, bạn sẽ đợi rất lâu mới được bác sĩ khám bệnh, trong đa số trường hợp, bạn phải đợi nhiều giờ đồng hồ. Thông thường, ngoài trường hợp cấp cứu, lý do để tới bệnh viện là trước đó bạn được bác sĩ GP hoặc bác sĩ chuyên khoa giới thiệu tới bệnh viện để làm phẫu thuật.

Những du học sinh sống ở các thành phố nhỏ hoặc khu vực xa trung tâm. Nếu gặp vấn đề nặng, khẩn cấp khi ở xa bệnh viện , bạn nên cân nhắc gọi taxi nếu xe cứu thương không đến kịp. Ngoài ra, hãy để bạn bè biết tình trạng của bạn. Biết đâu họ có thể gọi nhân viên y tế của trường gần ký túc xá, tiện lợi và kịp thời hơn rất nhiều.

Ngoài ra, đa số sinh viên quốc tế thường kém từ vựng về chuyên ngành Y khoa. Vì vậy, bạn nên học trước một số từ tiếng bản địa để trao đổi thông tin, diễn tả triệu chứng bệnh. Hoặc đơn giản là cảm, sốt, chấn thương thôi cũng cần chuẩn bị vốn từ vựng đề phòng trường hợp bạn cần gặp bác sĩ khi đang du lịch khám phá mạo hiểm ở vùng hẻo lánh.

Điểm tin tại Úc

Vasa got talent
Source: VASA
Hội Sinh Viên Việt Úc VASA đang tổ chức cuộc thi tìm kiếm tài năng . Chương trình đang nhận tiết mục dự thi tới hết thứ 4 ngày 06/02/2019. Để tham gia, bạn hãy chuẩn bị video thể hiện tài năng của mình, điền vào form dự thi và gửi về chương trình.

Ngày 24/02/2019, Hội Sinh Viên Việt Úc VASA sẽ tổ chức đêm liveshow chung kết cho cuộc thi VASA Got Talent vào lúc 6pm tại  Montanasa (74A Sydney St, Albion VIC 3020) ở gần Albion Station.

Đến với đêm nhạc,  tất cả các khán giả sẽ được tặng những phần quà nhỏ từ VASA nhân dịp xuân mới. Bên cạnh đó, 10 bạn tới sớm nhất cũng như 10 bạn may mắn nhất cuối chương trình (được bốc thăm ngẫu hứng từ hòm bầu chọn) sẽ được nhận thêm những phần quà hấp dẫn khác từ ban tổ chức.

Theo thông tin chương trình, 3 bạn nam và 3 bạn nữ mặc áo dài đẹp nhất mỗi bạn sẽ nhận được quà $100 từ chương trình. 

Được biết, VASA sẽ mang toàn bộ tiền vé thu được gửi về Việt Nam làm từ thiện cho đồng bào miền Trung.

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ tại Úc

Parliament House Canberra
Source: flightcentre.com.au
Với những ai từng nghe đến Úc hay chưa có dịp ghé thăm, sẽ không tránh khỏi nhầm lẫn giữa Sydney và Melbourne, bang nào là thủ đô của Úc.

Bởi vỉ cả Sydney và Melbourne là hai thủ phủ lớn của tiểu bang NSW và Victoria, nhưng thủ đô cua nước Úc mới chính là Canberra. Ít quảng bá phô trương nhiều như hai thành phố kia, Canberra được xem như một vùng lãnh thổ ẩn mình mang những nét đặc trưng thú vị  về lịch sử mà không phải ai cũng biết hết.

Cuối thế kỷ 19, trước nhu cầu thành lập Chính phủ Liên bang Australia, cuộc tranh luận trong chính giới Australia nổ ra khi một nửa số bang ủng hộ việc chọn Melbourne làm thủ đô, trong khi số còn lại nhất quyết cho rằng Sydney mới là xứng đáng. Phần thắng không thể thuộc về bên nào, và thoả thuận cuối cùng được các bên thống nhất là một vùng đất nằm giữa hai thành phố lớn nhất Úc châu được lựa chọn để xây dựng thủ đô.

Ngày 1-1-1911, Thủ đô Liên bang Australia được chính thức thành lập trên một vùng đất rộng 2.360 km2, cách Sydney 300 km về phía Tây Nam lấy tên là Canberra. Cùng năm ấy, Chính quyền liên bang đã phát động một cuộc thi quốc tế để tìm ra một bản quy hoạch phù hợp cho Thủ đô Liên bang.

Ba năm sau, kết thúc cuộc thi, năm 1913, kiến trúc sư người Mỹ Water Griffin cùng các cộng sự đã chiến thắng và trở thành tác giả của thành phố thủ đô chính trị Canberra, nơi mà các công trình kiến trúc luôn hoà quyện với thiên nhiên cho dù đó là bảo tàng Chiến tranh hay toà nhà Quốc hội.

Nét độc đáo trong tư duy của tác giả bản thiết kế Canberra cũng đồng thời là mong muốn thể hiện của Chính quyền liên bang, đó là sự thân thiện giữa môi trường chính trị quốc gia với công dân của một đất nước tự do dân chủ.

Nhờ đó mà du khách không khó để có thể dạo một vòng bên trong toà nhà quyền lực nhất châu Úc, tận mắt chứng kiến những cuộc tranh luận nảy lửa giữa thành viên cầm quyền và đối lập. Hay lên trên toà nhà Quốc hội, phóng tầm mắt thu trọn tổng quan Canberra từ đỉnh đồi ACT.



Share